Cuộc đời Âm Lệ Hoa

Thân thế

Quang Liệt hoàng hậu Âm Lệ Hoa sinh năm Nguyên Trị thứ 5 (5) thời Hán Bình Đế, quê quán tại huyện Tân Dã, quận Nam Dương (gần tương ứng với Nam Dương, Hà Nam ngày nay). Theo Hậu Hán thư, nhà họ Âm có nguồn gốc từ hạ khanh Quản Trọng trứ danh của nước Tề trong thời Xuân Thu. Đến đời thứ 7 là Quản Tu (管修), gia đình từ nước Tề sang cư ngụ nước Sở, được phong làm Âm đại phu (陰大夫), từ đấy lấy "Âm" làm họ. Vào thời đầu nhà Hán, nhà họ Âm mới chuyển đến Tân Dã, là một danh gia vọng tộc lâu đời, được ban chức Bang quân (邦君) như đối với một chư hầu vương, cho thấy vị thế rất lớn của nhà họ Âm tại địa phương[3][4]. Dẫu vậy, nhà họ Âm suốt các đời Tần và Tây Hán cũng không có ai ra làm quan, nên ảnh hưởng chính tri của họ Âm khi đó là không có, chỉ có phú quý vinh hiển tại quê nhà mà thôi.

Cha của Âm Lệ Hoa là Âm Lục (陰陸), mẹ của bà là Đặng phu nhân (鄧夫人)[5], cũng là dòng họ quyền thế ở Nam Dương. Bà có ít nhất bốn người em: Âm Hưng (陰興), Âm Tựu (陰就), Âm Thức (陰識) và Âm Hân (陰訢), trong đó Âm Hưng và Âm Hân là bào đệ đồng mẫu với bà, còn Âm Thức do vị phu nhân trước của cha bà sinh ra. Gia đình bà có mối giao hảo rất tốt với dòng họ Đặng của Đặng Vũ, về sau cũng là gia thần có công của chồng bà Lưu Tú. Chị của bà Âm thị là vợ Đặng Nhượng[6], còn mẹ bà Đặng phu nhân xuất thân trong gia tộc họ Đặng. Hòa Hi hoàng hậu Đặng Tuy, vợ của cháu cố bà là Hán Hòa Đế có mẹ là Âm thị, là con gái của đường đệ của Âm Lệ Hoa.

Cùng quê với Âm Lệ Hoa là Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú, mất cha khi 9 tuổi, được bá phụ Lưu Lương nuôi dưỡng. Tuổi trẻ, Lưu Tú hay chăm việc đồng án, anh cả Lưu Diễn thường giểu cợt ông chỉ chăm chăm cày ruộng. Đời Thiên Mệnh của nhà Tân, Lưu Tú đến Trường An du học[7]. Khi họ còn trẻ, Lưu Tú đã say mê, thán phục trước sắc đẹp, tài năng và nhân phẩm của bà và có tình cảm đặc biệt sâu nặng với bà. Theo Hậu Hán thư, khi Lưu Tú viếng thăm kinh thành Trường An, ông đã trở nên ấn tượng với chấp kim ngô (執金吾, quan viên lãnh đạo cấm quân bảo vệ kinh thành và cung thành), lập lời thề rằng:

「仕宦當作執金吾,娶妻當得陰麗華」.
"Nếu được làm quan, ta muốn trở thành Chấp kim ngô; nếu ta thành thân, ta muốn lấy Âm Lệ Hoa";

Năm Canh Thủy nguyên niên (23), tháng 6, anh trai cả của Lưu Tú là Lưu Diễn bị Hán Canh Thủy Đế giết chết[8]. Cũng trong tháng đó, Âm Lệ Hoa kết hôn với Lưu Tú. Lúc này, Lưu Tú đã 28 tuổi, còn Âm Lệ Hoa được 19 tuổi[9][10]. Tháng 9, Lưu Tú được Canh Thủy Đế phái đến khu vực phía bắc Hoàng Hà, Âm Lệ Hoa trở về nhà cũ[11][12][13].

Trở thành Quý nhân

Năm Canh Thủy thứ 2 (24), để củng cố lực lượng quân đội trong chiến dịch tiêu diệt Vương Lang, Lưu Tú kết hôn với Quách Thánh Thông, chất nữ của quân phiệt Chân Định vương Lưu Dương (劉楊), sử sách gọi việc này là "Lưu Tú lấy vợ mượn quân". Quách Thánh Thông đã hạ sinh con trai trưởng cho Lưu Tú tên là Lưu Cương.

Năm Canh Thủy thứ 3 (25), tháng 6, Lưu Tú đã rời bỏ Canh Thủy Đế, và tự tuyên bố mình là Hoàng đế triều Hán, cải nguyên Kiến Vũ, tức Hán Quang Vũ Đế[14]. Cuối năm đó, khi chiếm được Lạc Dương làm kinh đô, Lưu Tú đã cử các thuộc hạ 300 người đến hộ tống Âm Lệ Hoa đến kinh thành, và phong làm Quý nhân[15]. Quách Thánh Thông cũng cùng một cấp phong làm Quý nhân[16], nhưng Quang Vũ Đế vẫn ý vị tấn phong anh cả Âm Thức của Âm Lệ Hoa làm "Âm Hương hầu" (陰鄉侯), cố ý để địa vị nhà họ Âm cao hơn nhà họ Quách[17].

Năm Kiến Vũ thứ 2 (26), Quang Vũ Đế đã chuẩn bị để tấn phong một Hoàng hậu. Âm Lệ Hoa là nguyên phối phu nhân, cũng được Quang Vũ Đế yêu hơn cả, bản thân Quang Vũ Đế đã tán dương bà là "Nhã tính khoan nhân, có đức độ mẫu nghi", rất xứng Hậu vị[18][19], thế nhưng khi đó Âm Quý nhân chưa hạ sinh Hoàng tử, và bà đã khước từ vị trí Hoàng hậu và tán thành Quách Quý nhân[20][21]. Không còn cách nào, Quang Vũ Đế đã lập Quách Thánh Thông làm Hoàng hậu và lập con trai của Quách hậu là Lưu Cương làm Hoàng thái tử. Cũng trong năm này, Chân Định vương Lưu Dương dường như bất bình trước việc chậm chạp lập Hậu của Quang Vũ Đế, đã quyết định nổi loạn, sau đó bị giết. Ấn lẽ thường, Quách hậu cùng gia tộc họ Quách sẽ bị liên lụy, thế nhưng vào lúc này nhà Đông Hán không ổn định, Quang Vũ Đế cũng không thể tùy tiện đưa ra quyết định tận diệt, do đó vẫn hết sức thiện đãi Quách hậu[22][23].

Năm Kiến Vũ thứ 4 (28), tháng 5, ngày Giáp Thân, Âm Quý nhân hạ sinh hoàng tử đầu tiên của mình là Lưu Dương tại huyện Nguyên Thị[24][25]. Đây là một lần sinh nở khó hiểu, vì Âm Lệ Hoa khi đó đã mang thai, thế mà Quang Vũ Đế vẫn kiên quyết đem bà đi theo hành quân, lại ở huyện thôn hẻo lánh hạ sinh Hoàng tử. Khi Lưu Dương vừa sinh, Quang Vũ Đế vui lắm, đánh giá ngũ quan sáng ngời như Đế Nghiêu thời thượng cổ, lại lấy biểu tượng màu đỏ của ánh dương đặt tên Hoàng tử là "Dương", biểu thị sự coi trọng cùng yêu thích của ông đối với đứa con này của Âm Lệ Hoa[26][27]. Sau khi sinh ra Lưu Dương, Âm Lệ Hoa ngày càng được thịnh sủng[28], sau đó liên tiếp sinh ra thêm 4 người con khác là Đông Bình Hiến vương Lưu Thương, Quảng Lăng Tư vương Lưu Kinh, Lâm Hoài Hoài công Lưu Hành và Lang Tà Hiếu vương Lưu Kinh[29].

Năm Kiến Vũ thứ 9 (33), Đặng phu nhân và Âm Hân bị đạo phỉ sát hại. Quang Vũ Đế đã rất thương tiếc họ, và ông đã phong tước hầu cho Âm Tựu và cũng cố phong tước hầu cho Âm Hưng, song Âm Hưng đã khiêm tốn từ chối và còn bảo Âm quý nhân phải luôn khiêm tốn và không tìm kiếm danh vọng cho người thân của bà[30]. Để an ủi Âm Lệ Hoa, Quang Vũ Đế nói Đại tư không hạ chiếu thư rằng:

吾微賤之時,娶於陰氏,因將兵征伐,遂各別離。幸得安全,俱脫虎口。以貴人有母儀之美,宜立為后,而固辭弗敢當,列於媵妾。朕嘉其義讓,許封諸弟。未及爵土,而遭患逢禍,母子同命,愍傷於懷。《小雅》曰:「將恐將懼,惟予與汝。將安將樂。汝轉弃予。」風人之戒,可不慎乎?其追爵謚貴人父陸為宣恩哀侯,弟訢為宣義恭侯,以弟就嗣哀侯後。及尸柩在堂,使太中大夫拜授印綬,如在國列侯禮。魂而有靈,嘉其寵榮!

.

Khi ta còn nghèo hèn, cưới được Âm thị, nhân vì phải lệnh điều binh tướng chinh phạt, cùng với nàng ta cách biệt đã lâu. Trải qua bao thăng trầm, cũng đã về bên cạnh ta. Quý nhân có đức độ mẫu nghi, ta từng muốn lập làm Hoàng hậu, nhưng nàng cương quyết chối từ, chịu thiệt thòi ngự ở hàng dắng thiếp. Ta từng hứa với nàng ấy, thiện đãi các em trai, chưa kịp đến lúc thì lại gặp tai họa, mẹ và em trai đều bị giết thảm, bi thương lắm!

Sách 《Tiểu nhã》 nói: 「Tương khủng tương cụ, duy dư dữ nhữ. Tương an tương nhạc. Nhữ chuyển khí dư.」, nay truy tặng cha Quý nhân là Âm Lục làm Tuyên Ân Ai hầu, em trai Âm Hân làm Tuyên Nghĩa Cung hầu, lấy em Âm Tựu thừa tự tước vị Ai hầu. Lệnh đưa thi thể tại linh đường, mệnh Trung đại phu bái thụ Ấn tín và Dây triện, án theo lễ Quốc Liệt hầu. Nếu vong hồn có linh thiêng, hãy nhận lấy vinh sủng to lớn!

— Hậu Hán thư - "Quang Liệt Âm hoàng hậu"[31]

Gia quyến của Quý nhân bị giết, tuy chỉ là phi tần, nhưng Hoàng đế viết chiếu thư an ủi cũng xem là hợp tình hợp lý. Tuy nhiên, trong chiếu thư lại trực tiếp nói Âm Lệ Hoa có khí độ Mẫu nghi, việc Quách Thánh Thông được lập được khẳng định là do "Âm thị cố ý nhường lại", điều này không chỉ tâm niệm muốn lập Âm Lệ Hoa của Quang Vũ Đế vẫn mãi còn, mà còn là bạt tai giáng thẳng vào ngôi vị Hoàng hậu của Quách Thánh Thông. Văn học gia Hồng Mại (洪迈) thời Nam Tống ghi lại chuyện này trong "Dung trai tùy bút", đã đánh giá rằng từ khi Hán Quang Vũ Đế hạ đạo sắc chỉ này, Quách hậu đã vĩnh viễn không còn an ổn trên Hậu vị được nữa[32].

Hơn nữa, lúc ấy thiên hạ chưa bình, rất nhiều công thần còn không có đất phong (vào thời điểm Quang Vũ Đế đại phong là tận năm Kiến Vũ thứ 13), thế mà Quang Vũ Đế lại lấy nguyên do Âm Quý nhân từng từ chối Hậu vị, phong tước Hầu cho anh em trai họ. Theo luật đời Hán, chỉ có gia quyến nhà Hoàng hậu mới được phong Liệt hầu, hơn nữa không thể phong nhiều, ví dụ Hiếu Nguyên hậu Vương Chính Quân trong thời làm Thái hậu, phong Liệt hầu hơn 5 người, cũng đã chịu sự phản đối gay gắt[33]. Âm Lệ Hoa khi đó chỉ là Quý nhân, Quang Vũ Đế lại truy phong cha cùng tấn phong cho anh em tước Liệt hầu, trong khi vô số tướng sĩ lập đại công còn phải chờ định mà ân phong, đây có thể nói là một đại ân sủng, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.

Năm Kiến Vũ thứ 13 (37), Lưu Dương được 10 tuổi, Quang Vũ Đế khen ngợi gọi là Ngô Quý Tử (吴季子), điều này càng làm triều đình chấn động. Ngô Quý Tử, cũng gọi Ngô Quý Trát, là con trai thứ tư của Ngô vương Ngô Thọ Mộng, vốn dĩ không có tư cách kế thừa Vương vị, nhưng Thọ Mộng lại hi vọng đứa con này kế thừa, cho nên con cả của Thọ Mộng là Ngô Chư Phàn quyết liệt xin nhường Trữ vị cho Quý Tử, nhưng Quý Tử kiên quyết từ chối[34]. Nhìn đây có thể suy ra, Quang Vũ Đế thực sự mong Lưu Dương kế vị, nhưng lại sợ gia tộc họ Âm sẽ là điều liên lụy Lưu Dương, khiến Lưu Dương không thể kế vị. Thế nhưng, Lưu Dương khi nghe xong lại nói:"Ngu dốt vô cùng!", cho thấy thái độ không chịu nhường ai của Lưu Dương[35].

Nhập chủ Trung cung

Khoảng từ năm Kiến Vũ thứ 9 (33), Quách hậu được ghi lại đã hoàn toàn bị thất sủng[36]. Có vị Thượng thư lệnh là Thân Đồ Cương (申屠刚) nhiều lần dâng sớ xin Quang Vũ Đế để Hoàng thái tử Lưu Cương đến Đông Cung tiếp thu trách nhiệm cùng sự dạy bảo, thì liền bị Quang Vũ Đế trách cứ, biếm truất đi chức vị[37].

Vào năm Kiến Vũ thứ 13, đất Thục được bình định, Quang Vũ Đế đại phong công thần ngoại thích, nhưng trong đó lại không bao gồm ngoại thích họ Quách của Quách hậu, em trai Quách hậu là Quách Huống mãi đến năm Kiến Vũ thứ 14 (38) mới thăng nhậm "Thành môn Giáo úy" (城门校尉). Năm Kiến Vũ thứ 15, ngoại thích họ Âm cùng họ Phàn (thân tộc của mẹ Quang Vũ Đế là Phàn Nhàn Đô) được sắc chỉ ân phong, lại tiếp tục gạt họ Quách ra một bên. Quang Vũ Đế phong con trưởng của Âm Quý nhân là Lưu Dương làm Đông Hải công (东海公), nước Đông Hải gồm 23 huyện, là chư hầu quốc lớn nhất trong số các phiên quốc của chúng hoàng tử[38][39]. Quách hậu bởi vì từ từ thất sủng, dòng dõi họ Quách cũng bị gạt sang một bên một cách trắng trợn, luôn bị xếp dưới ngoại thích họ Âm, bởi vậy khiến Quách hậu cực kỳ bất mãn.

Năm Kiến Vũ thứ 17 (41), Quang Vũ Đế Lưu Tú lấy lý do: 「Hoài thế oán đỗi, sổ vi giáo lệnh, bất năng phủ tuần tha tử, huấn trường dị thất; 懷勢怨懟,數違教令,不能撫循他子,訓長異室」, ra chỉ phế truất Quách hậu, đưa Âm Quý nhân lên thay, trở thành Hoàng hậu.

Thay vì tống giam vào lãnh cung như các Hoàng hậu bị phế truất khác, Quang Vũ Đế đã lập con trai Lưu Phụ của Quách Thánh Thông làm Trung Sơn vương, và lập bà làm Trung Sơn Vương thái hậu. Quang Vũ Đế cũng phong em trai của Quách Thánh Thông là Quách Huống (郭況) một chức quan quan trọng và đã ban cho Quách Huống nhiều của cải. Không nỡ lòng nào phế truất cả mẹ lẫn con, Quang Vũ Đế ban đầu vẫn để Lưu Cương làm Hoàng thái tử. Tuy nhiên, vị Hoàng thái tử Lưu Cương này nhận thấy địa vị của mình không chắc chắn, vì mẹ ông đã bị phế truất, từ vị trí "Đích trưởng tử" bây giờ trở thành "Thứ trưởng tử", danh không chính ngôn không thuận, nên đã nghe theo thầy học Chất Uẩn (郅恽) khuyên can, nhiều lần thỉnh cầu lên Quang Vũ Đế chủ động được từ bỏ ngôi vị[40][41]. Từ đây, Đông Hải vương Lưu Dương lấy thân phận Đích trưởng tử ở trong triều đình tham dự chính vụ.

Năm Kiến Vũ thứ 19 (43), mùa xuân, Đông Hải vương Lưu Dương bình định Thiền vu Đan Thần (单臣), công lao hiển hách[42]. Tháng 6 năm đó, Quang Vũ Đế chấp thuận và phong cho Đông Hải vương Lưu Dương làm Hoàng thái tử thay thế. Ông cũng đổi tên húy của tân hoàng thái tử thành Trang (莊)[43]. Sau khi Lưu Trang trở thành Thái tử, lập tức vào Đông Cung tức vị[44], Quang Vũ Đế dùng hơn 10 vạn tiền mời danh Nho là Hoài Vinh (桓荣) làm "Đông cung Giáo thụ", phù trợ Thái tử[45]. Từ trước, lúc Lưu Cương làm Thái tử, Quang Vũ Đế vẫn mãi không cho Lưu Cương tức vị Đông Cung, nên nghi chế cùng quan viên cần thiết vẫn chưa được thiết lập, từ khi Lưu Trang được sách lập, mới bắt đầu định quy chế triều nghi, cách thức Thái tử ngự triều như thế nào, cũng mới dần được ghi chép rõ ràng[46]. Theo lệ, các hoàng tử không phải Thái tử, khi đã được phong địa thì phải đến nhậm ngay, nhưng trong khi các con trai của Quách Thái hậu cùng Sở vương Lưu Anh - con của Hứa mỹ nhân - đều đã đến phiên quốc, thì các con trai khác của Âm hậu vẫn được giữ lại Lạc Dương[47].

Từ khi trở thành Hoàng hậu, Âm hậu đã không được đề cập đến thường xuyên trong sử sách trong thời gian này, một dấu hiệu cho thấy bà đã không cố gắng sử dụng ảnh hưởng như một Hoàng hậu. Tuy nhiên, ba em trai của bà đều trở thành các quan viên và Hầu tước quyền lực, mặc dù họ thường có các vị trí cấp thấp và không tìm kiếm chức vụ cao hơn cho mình.

Sau khi Âm hậu được lập, anh trưởng của Âm hậu là Âm Thức được tấn phong làm "Nguyên Lộc hầu" (原鹿侯), kiêm thêm "Chấp kim ngô" (执金吾) rồi "Phụ đạo Đông cung" (辅导东宫), mỗi khi Quang Vũ Đế đi tuần các quận quốc, Âm Thức đảm nhận vị trí trấn thủ kinh sư[48]. Em trai Âm Hưng, từng đảm nhiệm "Hoàng môn Thị lang" (黄门侍郎), lãnh đạo đội Thân vệ của Quang Vũ Đế, sau sự kiện Đặng phu nhân cùng Âm Hân bị giết, Âm Hưng cố quyết chối từ phong Liệt hầu của Quang Vũ Đế, sau khi Lưu Trang được lập Thái tử, thăng làm "Vệ úy" (卫尉), dự trong hàng Cửu Khang, cũng lãnh vai trò Phụ đạo cho Thái tử[49]. Vào lúc này, người được Âm Thức hay Âm Hưng tiến cử đều được bổ nhiệm chức vị rất cao[50][51], ngoài ra còn lần lượt giữ những chức vị chưởng quản Cấm vệ quân của nhà Hán, trong lịch sử Tây Hán thì chỉ khi Hoàng hậu tấn vị Thái hậu, thì ngoại thích mới đạt được vị trí này, cũng là phi thường hiếm thấy. Đặc biệt là hiện tượng này đã diễn ra ở thời Vương Mãng, đã có tiền lệ, thế mà Quang Vũ Đế vẫn rất an tâm dùng họ Âm tiếp tục cái lệ này, cho thấy mức độ tin cậy của Quang Vũ Đế đối với nhà họ Âm là cực kì lớn.

Hoàng thái hậu tôn quý

Năm Kiến Vũ trung nguyên thứ 2 (57), Hán Quang Vũ Đế Lưu Tú băng hà, người kế vị là Hoàng thái tử Lưu Trang, tức Hán Minh Đế. Âm Hoàng hậu nhận tước vị Hoàng thái hậu.

Khác với các Hoàng thái hậu nhà Tây Hán, Âm Thái hậu có ảnh hưởng ở mức trung bình đối với con trai của bà, và bà cũng không không trực tiếp can dự nhiều vào chính sự. Lúc đó, nhà họ Âm, họ Phàn, họ Quách cùng Mã thị được xưng là Tứ tính Tiểu hầu (四姓小侯)[52].

Năm Vĩnh Bình thứ 2 (59), một tai họa đã giáng xuống gia đình của Âm hoàng thái hậu. Con của người em Âm Tựu của bà là Âm Phong (陰豐) đã kết hôn với công chúa của Quang Vũ Đế Lưu Tú là Lâm Ấp công chúa Lưu Thụ (劉綬). Lâm Ấp công chúa có tính kiêu ngạo và đố kỵ, và Âm Phong do giận dữ đã giết chết Công chúa rồi bản thân bị hành quyết. Âm Tựu và phu nhân sau đó tự vẫn[53].

Năm Vĩnh Bình thứ 3 (60), với sự tán thành của Âm Thái hậu, Minh Đế đã lập con gái của Mã ViệnMã Quý nhân làm Hoàng hậu[54]. Mã hoàng hậu là người được Âm Thái hậu yêu mến do có tính tình nhu mì và không ghen tị, có lẽ vì Mã hoàng hậu phản ánh hình ảnh của bà. Cũng vào năm đó, Minh Đế và Âm Thái hậu thực hiện một chuyến thăm hiếm hoi đến quê nhà ở Nam Dương quận, họ đã dành vài ngày để thiết đãi đại tiệc các họ hàng xa thuộc họ Đặng và họ Âm của Âm Thái hậu.

Năm Vĩnh Bình thứ 7 (64), ngày 22 tháng 1 (tức ngày 1 tháng 3 dương lịch), Hoàng thái hậu Âm thị giá băng, hưởng thọ 60 tuổi, thụy hiệuQuang Liệt hoàng hậu (光烈皇后). Ngày 8 tháng 2 (âm lịch), bà được táng một cách trang trọng dành cho một Thái hậu và được hợp táng cùng với phu quân Quang Vũ Đế của bà tại Nguyên lăng (原陵)[55].

Nhà thơ Lý Bạch thời Đường có nói về bà:"Lệ hoa tú ngọc sắc, Hán nữ kiều chu nhan" (Nguyên văn: 丽华秀玉色,汉女娇朱颜).